Đề nghị tư vấn:
Tháng 1/2016 Ông Thành đến gặp nghệ nhân An tạc 300 bức tượng bằng gỗ mít xuất sang thị trường Nhật. Hiện tai Ông An chỉ còn 100 bức tượng không thể đạt yêu cầu của ông Thành, nên ông Thành đã đề nghị nhân luôn 100 bức tượng đó, số còn lại ông Thành sẽ đến nhận sau 1 tháng đồng thời ông Thành cũng đồng ý trả cho ông An đủ số tiền 100 bức tượng đó và đưa trước cho ông An ½ số tiền của 200 bức tượng còn lại. 10 ngày sau ông Thành bị thiệt mạng do tai nạn, con của ông Thành là anh Lập đã bán 100 bức tượng đã nhận và biên lai của 200 bức tượng còn lai cho anh Long. Lập còn bảo anh Long đến hạn thì cứ đến của hàng của ông An để nhận tượng. Đến hạn Long đến nhận hàng thì Ông An bảo chưa tạc xong do trong mấy tháng qua nguồn gỗ mít khan hiếm nên không có nguyên liệu để làm . Long đòi ông An bồi thường thiệt hại và thanh toán các chi phí cho anh vì anh đã ký hợp đồng vận chuyển lô hàng này ra nước ngoài. Ông AN không chiu bồi thương vì cho rằng ông ký hợp đồng với ông Thành chứ không phải với Long và cũng không được ông Thành báo trước là đã chuyển nhương số hàng nay cho người khác. Theo quy định của pháp luật hiện hành. Anh chị hãy cho biết: 1/ hợp đồng giữa ông Thành và Ông An là hợp đồng gì? 2/ lập luận của ông Long và Ông AN ai đúng? Ai sai? 3/ tranh chấp trên giải quyết như thế nào ? vì sao giải quyết như thế?
Luật sư tư vấn:
1. Cơ sở pháp lý:
-Bộ luật dân sự 2005
2. Nội dung tư vấn:
1. Xác định loại hợp đồng giữa ông Thành và ông An.
Theo quy định Điều 428 Bộ luật dân sự 2005 như sau:
“Hợp đồng mua bán tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao tài sản cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ nhận tài sản và trả tiền cho bên bán”.
Theo bạn trình bày tháng 1/ 2016 ông Thành đến gặp nghệ nhân An tạc 300 bức tượng bằng gỗ mít xuất sang thị trường Nhật. Vì ông An chỉ còn 100 bức tượng, không thể đạt yêu cầu của ông Thành, nên ông Thành đã đề nghị nhận luôn 100 bức tượng đó, số còn lại ông Thành sẽ đến nhận sau 1 tháng đồng thời ông Thành cũng đồng ý trả cho ông An đủ số tiền 100 bức tượng đó và đưa trước cho ông An ½ số tiền của 200 bức tượng còn lại.
Như vậy hợp đồng giữa ông Thành và ông An là hợp đồng mua bán tài sản, cụ thể là hợp đồng mua bán 300 bức tượng gỗ mít. Việc ông Thành đưa trước cho ông An 1/2 số tiền cho 200 bức tượng còn lại được xem là khoản tiền ông Thành trả trước rồi nhận hàng hóa sau.
2. Lập luận của ông Long và ông An ai đúng ai sai?
Do xác định giữa ông Thành và ông An đã giao kết một hợp đồng dân sự, cụ thể là hợp đồng mua bán tài sản mà trong đó, ông An có nghĩ vụ giao tài sản – 200 bức tượng cho ông Thành trong thời hạn 1 tháng và ông Thành có nghĩa vụ thanh toán khoản tiền tương ứng còn lại sau khi trả trước. Nghĩa vụ dân sự phát sinh khi hợp đồng được giao kết và chủ thể giao kết hợp đồng có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tương ứng đã thỏa thuận.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 424 Bộ luật dân sự 2005 quy định:
“Hợp đồng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
1. Hợp đồng đã được hoàn thành;
2. Theo thoả thuận của các bên;
3. Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân hoặc chủ thể khác chấm dứt mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể đó thực hiện;
4. Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện;
5. Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn và các bên có thể thoả thuận thay thế đối tượng khác hoặc bồi thường thiệt hại;
6. Các trường hợp khác do pháp luật quy định.”
Như vậy, theo khoản 3 nêu trên thì khi cá nhân giao kết hợp đồng chết thì hợp đồng dân sự bị chấm dứt. Tuy nhiên chỉ những hợp đồng nào mà do tính chất của nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đó hoặc do các bên đã thoả thuận trước là người có nghĩa vụ phải trực tiếp thực hiện nghĩa vụ hay chỉ người có quyền mới được hưởng lợi ích phát sinh từ hợp đồng thì khi họ chết, hợp đồng mới chấm dứt.
Vì vậy, trong trường hợp khi ông Thành bị tai nạn rồi chết và trong thỏa thuận hợp đồng không có điều khoản quy định bắt buộc ông Thành phải là người trực tiếp thanh toán tiền khi nhận tài sản đến hạn thì không đồng nghĩa với việc giao dịch dân sự này chấm dứt. Có nghĩa sau khi hết hạn hợp đồng, ông An có trách nhiệm giao 200 bức tượng và nhận tiền theo đúng thảo thuận.
Trong trường hợp ông Thành chết sẽ làm phát sinh quan hệ thừa kế giữa những người có quyền hưởng thừa kế. Do đó, trong trường hợp anh Lập – con trai ông Thành được thừa kế phần tài sản liên quan là 100 bức tượng đã thanh toán ban đầu và 200 bức tượng chưa đến hạn thì lúc này, Lập sẽ là người chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản tiền còn lại thay ông Thành.
Việc anh Lập bán lại 100 bức tượng đã nhận và biên lai của 200 bức tượng còn lai cho anh Long đã thực hiện việc chuyển giao quyền yêu cầu cho anh Long. Đồng thời Điều 309 Bộ luật dân sự 2005 quy định như sau:
“1. Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thoả thuận, trừ những trường hợp sau đây:
a) Quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín;
b) Bên có quyền và bên có nghĩa vụ có thoả thuận không được chuyển giao quyền yêu cầu;
c) Các trường hợp khác do pháp luật quy định.
2. Khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền thì người thế quyền trở thành bên có quyền yêu cầu.
Người chuyển giao quyền yêu cầu phải báo cho bên có nghĩa vụ biết bằng văn bản về việc chuyển giao quyền yêu cầu. Việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Như vậy, khi anh Lập chuyển giao quyền yêu cầu của mình cho anh Long thì phải có thông báo bằng văn bản cho ông An biết về việc này nhưng không cần phải nhận được sự đồng ý của ông An.
Tuy nhiên, cũng theo thông tin đưa ra thì ông An đưa ra việc không nhận được thông báo từ ông Thành về việc chuyển giao số hàng này cho người khác nhưng trên thực tế, do tai nạn bát ngờ nên người gửi thông báo sẽ là người được hưởng thừa kế từ ông Thành – anh lập. Nhưng do anh Lập không có thông báo về việc chuyển giao quyền nên căn cứ vào Bộ luật dân sự 2005 như sau:
“Điều 314: Quyền từ chối của bên có nghĩa vụ
1. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu hoặc người thế quyền không chứng minh về tính xác thực của việc chuyển giao quyền yêu cầu thì bên có nghĩa vụ có quyền từ chối việc thực hiện nghĩa vụ đối với người thế quyền.
2. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ do không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu mà đã thực hiện nghĩa vụ đối với người chuyển giao quyền yêu cầu thì người thế quyền không được yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình.”
Do đó, trong trường hợp này, ông An có quyền từ chối việc thực hiện nghĩa vụ đối với anh Long. Tuy không thực hiện nghĩa vụ với anh Long nhưng ông An vẫn không đảm bảo số hàng đúng số lượng để giao cho anh Lập.
Điều 435 Bộ luật dân sự 2005 quy định như sau:
“1. Trong trường hợp bên bán giao vật với số lượng nhiều hơn số lượng đã thoả thuận thì bên mua có quyền nhận hoặc không nhận phần dôi ra; nếu nhận thì việc thanh toán được thực hiện theo thoả thuận đối với phần dôi ra.
2. Trong trường hợp bên bán giao ít hơn số lượng đã thoả thuận thì bên mua có một trong các quyền sau đây:
a) Nhận phần đã giao và yêu cầu bồi thường thiệt hại;
b) Nhận phần đã giao và định thời hạn để bên bán giao tiếp phần còn thiếu;
c) Hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”
Như vậy, ông An vì không giao được hàng đúng hẹn nên trong trường hợp này, ông An có thể sẽ phải bồi thường thiệt hại lại cho phía anh Lập nếu có yêu cầu bồi thường hoặc các bên có thỏa thuận về thời hạn bàn giao phần còn thiếu.