Đấu thầu là việc lựa chọn ra một nhà thầu thực hiện triển khai, thực hiện một công việc hoặc cung cấp một dịch vụ cụ thể có sử dụng nguồn ngân sách nhà nước. Trong một số trường hợp thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có thể lựa chọn ra một nhà thầu bằng hình thức chỉ định thầu. Bài viết dưới đây sẽ phân tích về các điều kiện áp dụng hình thức chỉ định thầu và hạn mức áp dụng hình thức chỉ định thầu.
Trong một số trường hợp luật định thì các gói thầu có thể áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu là chỉ định thầu. Cụ thể bao gồm:
+ Khi có sự cố bất khả kháng hay để đảm bảo bí mật nhà nước nên cần thực hiện ngay gói thầu để xử lý kịp thời hoặc khắc phục hậu quả; thực hiện gói thầu để kịp thời tránh gây nguy hại trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc tránh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; mua thuốc, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách.
+ Nhu cầu cấp bách triển khai gói thầu để đáp ứng mục đích bảo vệ chủ quyền quốc gia, biên giới quốc gia, hải đảo.
+ Do phải đảm bảo tính tương thích về công nghệ nên phải lựa chọn chính nhà thầu đã thực hiện trước đó để cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn hoặc để mua sắm hàng hóa mà không thể lựa chọn bất kỳ nhà thầu nào khác; các gói thầu vì mục đích thử nghiệm, nghiên cứu; gói thầu để mua bản quyền sở hữu trí tuệ.
+ Gói thầu chỉ định cho tác giả thiết kế kiến trúc công trình có đủ điều kiện năng lực theo luật định được tuyển chọn hoặc trúng tuyển để cung cấp dịch vụ tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế xây dựng; gói thầu để thi công mà từ giai đoạn sáng tác đến khi thi công đều gắn chặt với quyền tác giả, áp dụng với những công trình xây dựng tượng đài, phù điêu, tranh hoàng tráng và tác phẩm nghệ thuật.
+ Chỉ định một đơn vị chuyên ngành trực tiếp quản lý để thực hiện gói thầu di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, rà phá bom, mìn, vật nổ để phục vụ cho việc giải phóng mặt bằng.
+ Để giá gói thầu nằm trong hạn mức mà Chính phủ cho phép và phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội tại thời điểm thực hiện gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công.
Việc đưa ra hình thức chỉ định thầu khi các gói thầu thuộc một trong các trường hợp trên và trong một số trường hợp phải đáp ứng thêm điều kiện như việc thu xếp vốn phù hợp, đáp ứng được tiến độ thực hiện gói thầu; có quyết định đầu tư hoặc có dự toán hoặc có kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt; trong cơ sở dữ liệu về nhà thầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đấu thầu phải có tên nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu; việc chỉ định thầu chỉ được thực hiện trong thời hạn luật định tính từ ngày phê duyệt hồ sơ yêu cầu đến ngày ký hợp đồng.
Trong các trường hợp áp dụng hình thức đấu thầu là chỉ định thầu trên, việc chỉ định thầu để giá gói thầu nằm trong hạn mức được Chính phủ quy định cụ thể. Theo quy định tại Điều 54 Nghị định 63/2014/NĐ-CP thì hạn mức áp dụng hình thức chỉ định thầu như sau:
+ Các trường hợp áp dụng hạn mức chỉ định thầu không vượt quá 500 triệu đồng gồm:
• Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn;
• Gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn;
• Gói thầu cung cấp dịch vụ công.
+ Đối với các gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên (gồm các trang thiết bị dành cho cơ quan và nhân viên làm việc trong cơ quan nhà nước theo luật định, vật tư, vật liệu sử dụng thường xuyên; quần áo là đồng phục;…) thì hạn mức chỉ định thầu không quá 100 triệu đồng.
+ Các trường hợp áp dụng hạn mức chỉ định thầu không vượt quá 01 tỷ đồng bao gồm:
• Gói thầu để mua sắm hàng hóa;
• Gói thầu để mua thuốc hoặc vật tư y tế;
• Gói thầu để mua sản phẩm công;
• Gói thầu để xây lắp;
• Gói thầu hỗn hợp.
Vậy nên, gói thầu muốn áp dụng hình thức chỉ định thầu thì cần phải thuộc một trong các trường hợp đã quy định tại Luật Đấu thầu và kèm theo một số điều kiện riêng trong từng trường hợp.
Các gói thầu đáp ứng được điều kiện chung và điều kiện riêng trong từng trường hợp để được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu thì vẫn có thể lựa chọn áp dụng theo các hình thức lựa chọn nhà thầu khác. Việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu khác được nhà nước khuyến khích.
Ngoài áp dụng đối với các gói thầu trên, việc chỉ định thầu còn áp dụng cho các nhà đầu tư trong các trường hợp như: có duy nhất nhà đầu tư đăng ký thực hiện; trong lĩnh vực thu xếp vốn, bí mật thương mại, sở hữu trí tuệ, công nghệ có duy nhất nhà đầu tư đủ khả năng để thực hiện; khi thực hiện dự án thì nhà đầu tư đưa ra được dự án khả thi và có thể đạt hiệu quả cao nhất.
Có hai quy trình trong việc thực hiện hình thức chỉ định thầu: quy trình chỉ định thầu thông thường và quy trình chỉ định thầu rút gọn. Quy trình chỉ định thầu thông thường gồm có 05 giai đoạn: sau khi lập, thẩm định, duyệt hồ sơ yêu cầu việc lựa chọn nhà thầu thì hồ sơ yêu cầu được bán cho những nhà thầu nhất định; nhà thầu khi biết nội dung hồ sơ yêu cầu thì chuẩn bị hồ sơ đáp ứng được những yêu cầu đó; tiếp theo là giai đoạn đánh giá hồ sơ và đưa ra việc thẩm định, đánh giá và chuẩn duyệt kết quả chỉ định thầu; cuối cùng nếu kết quả chỉ định thầu đạt yêu cầu thì sẽ tiến tới ký kết hợp đồng. Quy trình chỉ định thầu rút gọn (chỉ áp dụng trong trường hợp để xử lý kịp thời hoặc khắc phục hậu quả do sự kiện bất khả kháng; thực hiện gói thầu để kịp thời tránh gây nguy hại trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc tránh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; mua thuốc, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bá
ch hoặc trường hợp áp dụng hạn mức chỉ định thầu): gói thầu được giao trực tiếp cho nhà thầu đủ năng lực và kinh nghiệm sau đó việc hoàn thiện tất cả thủ tục chỉ định thầu diễn ra trong vòng 15 ngày và đi đến ký kết hợp đồng. Trường hợp thực hiện hình thức chỉ định thầu có hạn mức chỉ định thầu thì ngoài việc thực hiện quy trình chỉ định thầu rút gọn vẫn có thể lựa chọn hình thức chỉ định thầu thông thường.
Nếu trong trường hợp chỉ định thầu trái phép thì có thể sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm, cơ quan nhà nước khi phát hiện ra sai phạm về đấu thầu trong trường hợp áp dụng chỉ định thầu khi không đủ điều kiện hay áp dụng vượt hạn mức chỉ định thầu luật cho phép sẽ đưa ra các hình thức xử lý khác nhau.
Khi chỉ định thầu trái phép mà gây ra thiệt hại thực tế thì chắc chắn phải bồi thường và khắc phục hậu quả. Việc bồi thường thiệt hại áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật đấu thầu mà gây thiệt hại được thực hiện theo nguyên tắc bồi thường của pháp luật dân sự. Trong đó, chủ thể thực hiện hành vi vi phạm có lỗi thì phải bồi thường và bồi thường đối với mọi thiệt hại mà mình gây ra.
Mức độ nặng nhất trong trường hợp vi phạm chỉ định thầu là bị xử lý hình sự. Hành vi chỉ định thầu trái pháp luật có thể sẽ cấu thành nên tội phạm quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, mức hình phạt cao nhất trong tội này có thể lên tới 20 năm tù giam; ngoài ra, người thực hiện hành vi phạm tội có thể bị cấm làm công việc nhất định hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ trong thời hạn từ 01 đến 05 năm và có thể bị tịch thu tài sản.