Trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, thu hút vốn đầu tư nước ngoài là một trong những chính sách đang đạt được hiệu quả tốt, nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam ngày càng gia tăng. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng nhiều và số vốn đầu tư cũng lớn dần. Không những thế ngoài trụ sở chính, các công ty nước ngoài còn có thể đặt chi nhánh, văn phòng đại diện trên địa bàn cả nước. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động một số chi nhánh của công ty có vốn đầu tư nước ngoài không thể tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh hoặc vì một số nguyên nhân dẫn đến phải giải thể, xóa bỏ. Sau đây chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin pháp lý mới nhất về trình tự, thủ tục giải thể chi nhánh công ty có vốn đầu tư nước ngoài để các bạn tham khảo và nắm rõ.
Thứ nhất, các trường hợp chấm dứt hoạt động chi nhánh công ty có vốn đầu tư nước ngoài
Theo quy định tại khoản Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2014 chi nhánh công ty có vốn đầu tư nước ngoài được chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau:
– Một là, doanh nghiệp, công ty ra quyết định chấm dứt hoạt động của chi nhánh công ty.
Đối với từng loại hình doanh nghiệp thì thẩm quyền ra quyết định chấm dứt hoạt động của chi nhánh công ty cũng khác nhau, cụ thể như sau:
Chủ doanh nghiệp đối với loại hình doanh nghiệp tư nhân; Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần; Quyết định của tất cả thành viên hợp danh của công ty hợp danh; Hội đồng thành viên đối với loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; Chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
Luật doanh nghiệp năm 2014 ghi nhận, doanh nghiệp quyết định chấm dứt hoạt động của chi nhánh công ty có vốn đầu tư nước ngoài mang tính tự chủ, tự nguyện, không bị ép buộc. Có thể vì những lý do khác nhau như không đảm bảo lợi nhuận, mâu thuẫn nội bộ, hoạt động kinh doanh của chi nhánh không còn phù hợp với mục đích kinh doanh đề ra ban đầu, doanh nghiệp không đủ khả năng duy trì hoạt động của chi nhánh hoặc doanh nghiệp giải thê, phá sản dẫn đến chấm dứt hoạt động của chi nhánh… và nhiều yếu tố khác mà không muốn tiếp tục hoạt động kinh doanh.
– Hai là, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh.
Cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh của công ty có vốn đầu tư nước ngoài khi chi nhánh ngừng hoạt động từ 01 năm trở lên mà không thông báo ngừng hoạt động kinh doanh của chi nhánh tới Phòng Đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế; có quyết định của Tòa án; hoạt động và Giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh là giả mạo, trái quy định của pháp luật; hoạt động của chi nhánh không phù hợp với quy định của pháp luật; doanh nghiệp bị thu hồi Giấy đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Thứ hai, hồ sơ chấm dứt hoạt động của chi nhánh doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Được quy định tại khoản 2 Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2014 và khoản 1 Điều 60 Nghị định 78/2015/NĐ-CP, bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau:
– Thông báo về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài áp dụng theo mẫu được quy định tại Phụ lục II-16 Thông tư 01/2013/TT-BKHĐT;
– Quyết định của doanh nghiệp chấm dứt hoạt động chi nhánh của doanh nghiệp hoặc quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chấm dứt hoạt động;
– Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, bản chính;
– Các tài liệu về các khoản nợ bao gồm: Danh sách chủ nợ và các số nợ chưa thanh toán bao gồm cả nợ thuế của chi nhánh và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội của ngườ lao động của chi nhánh;
– Giấy xác nhận của cơ quan thuế, cơ quan bảo hiểm xã hội về việc hoàn thành nghĩa vụ thuế và tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động nếu chi nhánh đã thực hiện xong các nghĩa vụ này;
– Danh sách người lao động và quyền lợi tương ứng hiện hành của người lao động làm việc tại chi nhánh;
– Nếu chi nhánh có con dấu thì phải gửi kèm con dấu và xác nhận của cơ quan Công an về việc hủy con dấu trong hồ sơ đề nghị chấm dứt hoạt động chi nhánh.
Thứ ba, thủ tục chấm dứt hoạt động chi nhánh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
– Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đề nghị chấm dứt hoạt động của chi nhánh, chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện theo pháp luật nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt chi nhánh.
– Phòng Đăng ký kinh doanh tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, kiểm tra, thẩm định hồ sơ.
– Cập nhật tình trạng pháp lý của chi nhánh doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp từ tình trạng đang hoạt động sang tình trạng chấm dứt hoạt động trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
– Ra Thông báo về việc chấm dứt hoạt động của chi nhánh doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
– Trường hợp chi nhánh doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài rơi vào trường hợp bị chấm dứt hoạt động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì chủ doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp được giải trình lý do ngừng hoạt động của chi nhánh với Phòng Đăng ký kinh doanh. Nếu sau 10 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn giải trình mà doanh nghiệp, người được yêu cầu không đến để giải trình thì Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ ra Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh của doanh nghiệp có vốn nước ngoài.
Như vậy thủ tục chấm dứt hoạt động của chi nhánh doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khá đơn giản và nhanh gọn.
Các lưu ý về chấm dứt hoạt động chi nhánh doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:
– Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và người đứng đầu chi nhánh bị chấm dứt hoạt động phải liên đới chịu trách nhiệm về tính trung thực và chính xác của hồ sơ chấm dứt hoạt động chi nhánh.
– Doanh nghiệp nào có chi nhánh đã chấm dứt hoạt động phải chịu trách nhiệm thực hiện các hợp đồng, thanh toán các khoản nợ còn lại, tiếp tục sử dụng lao động hoặc giải quyết đủ quyền lợi hợp pháp cho người lao động đã làm việc tại chi nhánh theo quy định của pháp luật về lao động.