Việc đăng ký kết hôn là việc xác lập mối quan hệ vợ chồng giữa nam và nữ trên phương diện pháp luật và được Nhà nước thừa nhận và bảo vệ. Việc kết hôn phải đảm bảo điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2015 nên mọi quan hệ kết hôn của nam, nữ từ ngày 01/01/2015 trở đi này sẽ áp dụng điều kiện kết hôn của Luật này.
Theo quy định pháp luật hiện nay, nam, nữ kết hôn với nhau phải đáp ứng được điều kiện về độ tuổi như sau: nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên.
Cách tính tuổi “đủ 20 tuổi” hay “đủ 18 tuổi” trong quy định về độ tuổi đăng ký kết hôn là tính theo tròn tuổi (đủ ngày, đủ tháng, đủ năm). Ví dụ như: Nữ sinh ngày 13/08/1997 thì đến 13/08/2015 là đủ 18 tuổi. Như vậy kể từ ngày 13/08/2015 trở đi thì bạn nữ này đủ điều kiện về độ tuổi để được kết hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Trong trường hợp không xác định được hay không đủ điều kiện để xác định chính xác ngày sinh, tháng sinh thì tính như sau:
+ Nếu chỉ xác định được năm sinh mà không xác định được tháng sinh thì tháng sinh được xác định là tháng một của năm sinh đó.
+ Nếu xác định được tháng sinh, năm sinh mà không xác định được ngày sinh thì ngày sinh được xác định là ngày mùng một của tháng sinh.
Ví dụ trường hợp nữ không xác định được chính xác ngày tháng năm sinh do chứng minh nhân dân/ giấy khai sinh chỉ ghi tháng, năm sinh như: chỉ ghi sinh 08/1997 thì được xác định sinh ngày 01/08/1997 và đến 01/08/2015 là đủ 18 tuổi, kể từ ngày 01/08/2015 trở đi là bạn nữ này đủ điều kiện về độ tuổi được kết hôn theo pháp luật Việt Nam; chỉ ghi sinh năm 1997 thì ngày sinh được xác định là 01/01/1997 nên “đủ 18 tuổi” được tính khi bước sang ngày 01/01/2015, kể từ ngày 01/01/2015 trở đi là bạn nữ này đủ điều kiện về độ tuổi được kết hôn theo pháp luật Việt Nam.
Ví dụ trường hợp sinh vào ngày 29/02/2000 thì được tính là “đủ 18 tuổi” là sau ngày 28/02/2018. Nên sau khi kết thúc ngày 28/02/2018, bạn nữ này đủ điều kiện về độ tuổi được kết hôn theo quy định pháp luật Việt Nam.
Trong trường hợp nếu người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, thì quy định về độ tuổi cũng cần đáp ứng điều kiện theo quy định pháp luật nước người đó có quốc tịch. Ví dụ như nữ mang quốc tịch Việt Nam 19 tuổi và nam mang quốc tịch Anh 19 tuổi, vì theo quy định của pháp luật Anh hai người này hoàn toàn đủ độ tuổi được đăng ký kết hôn, nên nếu hai người đăng ký kết hôn bên Anh thì đã đủ điều kiện về độ tuổi.
Quy định về cách tính độ tuổi này là điểm mới trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 so với năm 2000. Tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, điều kiện về độ tuổi được kết hôn là “từ 18 tuổi” và “từ 20 tuổi”, tức là chỉ cần sau ngày sinh nhật 17 tuổi là đủ tuổi kết hôn. Việc quy định độ tuổi kết hôn như vậy không thống nhất và phù hợp với Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng Dân sự. Theo bên ngành luật dân sự, trừ các trường hợp đặc biệt thì cá nhân từ đủ mười tám tuổi trở lên mới có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, tức là mới có đủ khả năng bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Do đó, Luật Hôn nhân và gia đình nâng độ tuổi nữ được kết hôn lên “đủ 18 tuổi” đã đồng nhất trên hệ thống pháp luật Việt Nam, thuận tiện trong quá trình áp dụng và xử phạt pháp luật.
Trên thực tế khi kết hôn nam, nữ phải cung cấp chứng minh thư/căn cước công dân hoặc hộ chiếu để chứng minh độ tuổi, nên nếu thấy hai người này không đủ điều kiện về độ tuổi thì đương nhiên cán bộ tư pháp sẽ không tiến hành đăng ký kết hôn. Tuy nhiên vẫn có rất nhiều trường hợp không đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng vẫn tổ chức hôn lễ. Khi nam, nữ kết hôn có vi phạm về điều kiện độ tuổi khi kết hôn sẽ được giải quyết như sau:
+ Nếu trường hợp nam, nữ kết hôn chưa đủ độ tuổi theo luật định thì người tổ chức hôn lễ cho hai người này sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 1 Điều 47 Nghị định 110/2013/NĐ-CP với mức xử phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
+ Nếu trường hợp hành vi kết hôn trái pháp luật của nam nữ vi phạm về độ tuổi mà đã bị phát hiện hành vi vi phạm và có quyết định của Tòa án nhân dân yêu cầu buộc họ phải chấm dứt quan hệ đó nhưng vẫn cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật này thì bị xử phạt hành chính với mức xử phạt là phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Từ vấn đề này xuất hiện bất cập vì nếu hai bên cố tình chung sống với nhau như vợ chồng thì cũng không có cơ sở nào để giải quyết. Hay trường hợp nam, nữ tổ chức hôn lễ và sống chung với nhau mà chưa có quyết định của Tòa án yêu cầu chấm dứt quan hệ này thì cũng không thể đưa ra mức xử phạt 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
+ Nếu trường hợp tổ chức hôn lễ hoặc chung sống như vợ chồng (phải có bằng chứng cụ thể hay để lại hậu quả) với nữ dưới 18 tuổi thì người tổ chức, người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự: người nào (từ đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ) có hành vi kết hôn với người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 145 Bộ luật Hình sự 2015 về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Hay có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội tổ chức tảo hôn theo quy định tại Điều 183 Bộ luật Hình sự 2015 khi người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đủ độ tuổi kết hôn theo luật định mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà tiếp tục vi phạm.
+ Nếu trường hợp, vì lý do thiếu hiểu biết và khả năng áp dụng pháp luật của cán bộ Tư pháp còn hạn chế mà công nhận hôn nhân cho những người chưa đủ độ tuổi kết hôn thì đây sẽ là căn cứ để Tòa án xem xét để giải quyết, đưa ra quyết định hủy hôn kết hôn trái pháp luật.